Khi đối mặt với tình trạng thừa cân – béo phì hay các vấn đề về sức khỏe, việc nói không với một loại thực phẩm nào đó dường như không hữu hiệu, thay vào đó cần một giải pháp đồng bộ và dài hạn.
Nói không với nước ngọt có đường: không mang lại hiệu quả cao
Có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc hạn chế, kiêng khem đường quá mức không mang lại hiệu quả trong việc cải thiện sức khỏe hay tình trạng cân nặng, trái lại việc kiêng khem không hợp lý trong thời gian dài thậm chí còn gây ra một số tác dụng ngược. Tương tự, nếu mong muốn giảm tiêu thụ đường bằng cách nói không với nước ngọt có đường cũng không phải là một giải pháp hợp lý. Trên thực tế, mức tiêu thụ nước ngọt có đường bình quân đầu người ở Việt Nam nằm ở mức thấp, tương đương khoảng hơn một nửa mức trung bình của thế giới.
Vậy đâu là giải pháp hiệu quả để giảm thừa cân béo phì trên phương diện quốc gia? Theo VCCI, hiện chưa có đánh giá nào cụ thể hơn về việc, liệu đánh thuế ở mức 10% đối với nước ngọt có đường sẽ giúp làm giảm hoặc làm chậm tốc độ tăng tỷ lệ béo phì ở Việt Nam bao nhiêu. Trong khi đó, những ảnh hưởng của việc đánh thuế (nếu áp dụng) lên nền kinh tế đã được chỉ ra trong một báo cáo được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) như GDP sẽ giảm khoảng 0,115%, thu nhập từ sản xuất của cả nền kinh tế sẽ giảm 0,14%, thặng dư sản xuất giảm 0,077%, và lao động giảm 0,06-0,08%. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu “Thừa cân béo phì ở người trưởng thành Việt Nam: Thực trạng và một số yếu tố nguy cơ” do các nhà khoa học thuộc Viện Dinh dưỡng Việt Nam và Bộ Y tế cũng đã chỉ ra rằng, hiện tượng thừa cân, béo phì ở người trưởng thành tại Việt Nam bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm chế độ ăn nhiều thức ăn động vật, tình trạng thiếu vận động thể lực…
Không bàn đến các giải pháp vĩ mô cho một vấn đề xã hội, riêng với bản thân mỗi người, ngay từ hôm nay, hãy thay đổi lối sống từ những việc làm nhỏ nhất để có cuộc sống lành mạnh và một sức khỏe tốt.
Có một chế độ ăn giàu chất xơ
Rau xanh và hoa quả tươi chứa nhiều chất xơ, có khả năng hỗ trợ hệ tiêu hóa tiêu thụ đường hiệu quả. Nếu chế độ ăn uống của bạn đang thiếu đi rau xanh, cá và hoa quả tươi thì đây chính là thói quen đầu tiên bạn cần thay đổi..
Chú trọng sắp xếp thời gian biểu
Lối sống thiếu tổ chức của người trẻ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến lượng đường tăng cao trong cơ thể. Tình trạng bỏ bữa sáng và ăn tối muộn sau 19h vốn thường gặp ở dân văn phòng đều làm tăng nguy cơ tiểu đường. Bên cạnh đó, nếu ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi đêm thì bạn có đến 70% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 trong 2 năm.
Nên đi ngủ sớm và thức dậy sớm vào sáng hôm sau, đầu óc bạn sẽ thật sự tỉnh táo và sảng khoái. Ngoài ra, một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa sẽ giúp cơ thể có khoảng nghỉ để hồi phục các chức năng sinh học.
Cũng theo kết quả cuộc khảo sát do các chuyên gia sức khỏe thuộc Đại học Stanford ở Hoa Kỳ thực hiện, mỗi ngày một người Việt chỉ chạy tối đa 3.600 bước, trong khi tiêu chuẩn của thế giới là 5.000 bước. Con số này phần nào chỉ ra thói quen lười vận động, ít tập luyện thể thao thường xuyên của nhiều người. Thay vì dành thời gian trên mạng xã hội, trò chuyện cùng bạn bè, nằm xem phim, bạn có thể sắp xếp chạy bộ gần nhà hoặc chạy tại chỗ để đốt năng lượng trong cơ thể.
Có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng sức khỏe xuống cấp như chế độ ăn uống không hợp lý, sinh hoạt không điều độ, lười tập luyện thể thao… Đừng đổ lỗi tất cả cho nước ngọt có đường!
Nghiêm khắc với bản thân đến mức từ chối uống một ly nước ngọt có đường trong những cuộc vui với bạn bè không hẳn là cách hiệu quả để cải thiện sức khỏe. Thay vì từ bỏ niềm vui của bản thân, hãy đặt mục tiêu theo đuổi lối sống khỏe mạnh từ những hành động nhỏ nhất mỗi ngày.