BỆNH VIỆN ĐA KHOA HÒE NHAI

TỔ CHỨC BUỔI TẬP HUẤN CHẨN ĐOÁN ĐIỀU TRỊ

BỆNH CHÂN TAY MIỆNG

 

Mới đây, tại bệnh viện đa khoa Hòe Nhai đã diễn ra buổi tập huấn “Chẩn đoán và điều trị bệnh tay chân miệng” cho các y bác sĩ tại bệnh viện. BS.CKII Nguyễn Thị Huyền Nga – Trưởng khoa Khám bệnh – Trưởng đơn nguyên Nhi chủ trì buổi tập huấn.

Bs.CKII Nguyễn Thị Huyền Nga – Trưởng khoa Khám bệnh –
Trưởng đơn nguyên Nhi phát biểu tại buổi tập huấn

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Do hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi.

Các y bác sĩ bệnh viện đa khoa Hòe Nhai tiếp thu các kiến thức trong việc

chẩn đoán và điều trị bệnh tay chân miệng

 

Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa, nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Với Coxsackievirus A16 thường gặp vào mùa hè và lúc giao mùa. 

Bệnh có thể kéo dài 3 đến 10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh như loét miệng, phát ban phỏng nước, sốt nhẹ, nôn, nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng. Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ 2 đến 5 ngày của bệnh. Thời gian ủ bệnh thường từ 3 đến 7 ngày, giai đoạn khởi phát từ 1 đến 2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ (không dùng thuốc kháng sinh khi không có bội nhiễm). Theo dõi sát, phát hiện sớm và điều trị biến chứng. Đối với các trường hợp nặng phải đảm bảo xử lý theo nguyên tắc hồi sức cấp cứu. Đồng thời đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng.

Để phòng bệnh, nhân viên y tế khi điều trị cần cách ly theo nhóm bệnh. Nhân viên y tế cần mang khẩu trang, rửa, sát khuẩn tay trước và sau khi chăm sóc. Khử khuẩn bề mặt, giường bệnh, buồng bệnh bằng CloraminB 2%. Xử lý chất thải theo quy trình phòng bệnh lây qua đường tiêu hóa.